10 điều cần biết để nhận biết dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ và phòng tránh hiệu quả
28-10-2023Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý về mắt phổ biến nhất ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh này không nguy hiểm nhưng lại gây ra những khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Do vậy hiểu rõ về đau mắt đỏ là cách tốt nhất để điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Dưới đây là những thông tin cơ bản cần biết về bệnh đau mắt đỏ mà Eyemiru đã tổng hợp và cung cấp đến bạn đọc.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là tên gọi khác của bệnh viêm kết mạc. Đây là tình trạng phần tròng trắng của mắt có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, viêm sưng mí mắt và đau nhức ở vùng mắt. Ngoài ra, mắt còn có thể bị chảy ghèn có màu vàng hoặc trắng và đóng vảy trên lông mi, mí mắt. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt.
Đau mắt đỏ là bệnh lý phổ biến và ai cũng có thể mắc bệnh này.
2. Ai dễ bị đau mắt đỏ?
Từ người lớn đến trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị đau mắt đỏ. Bệnh này có thể xảy ra vào mọi thời điểm trong năm, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển từ mùa hè sang mùa thu. Đây là thời điểm mà khí hậu nóng ẩm, mưa đột ngột và độ ẩm không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Sự suy giảm của hệ thống miễn dịch khiến cơ thể trở nên nhạy cảm với thời tiết, tăng khả năng bị tấn công bởi vi khuẩn và virus. Ngoài ra, các hoạt động ngoài trời như bơi lội và dã ngoại cũng có thể làm tăng nguy cơ lây bệnh, khi virus có thể chuyển từ người này sang người khác thông qua nước bọt, hệ thống hô hấp và qua việc chạm vào các vật dụng bị nhiễm bệnh.
3. Đau mắt đỏ là do nguyên nhân gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Nhiễm khuẩn: viêm kết mạc thường do nhiễm khuẩn gây ra, bao gồm các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia và Pseudomonas aeruginosa.
- Nhiễm virus: các loại virus như adenovirus, virus Corona, herpes simplex virus, và varicella-zoster virus có thể gây ra viêm kết mạc.
- Dị ứng: đối với các chất như nấm mốc, phấn hoa, hoặc hóa chất có thể gây viêm kết mạc.
- Tiếp xúc với hóa chất: tiếp xúc với hóa chất như dầu gội, mỹ phẩm hoặc clo trong hồ bơi có thể gây kích ứng.
- Dị vật trong mắt: bụi bẩn, cặn trang điểm có thể bị mắc kẹt trong mắt.
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách: nếu không tuân thủ quy tắc vệ sinh khi sử dụng kính áp tròng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mắt và gây viêm kết mạc.
- Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ: tiếp xúc với mắt hoặc nước mắt của người đang mắc bệnh đau mắt đỏ có thể lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
- Hệ miễn dịch suy giảm: người có hệ miễn dịch yếu có khả năng bị đau mắt đỏ cao khi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Sử dụng kính áp tròng không đúng cách là một nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ
4. Đau mắt đỏ lây lan bằng cách nào?
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan qua nhiều cách như:
- Tiếp xúc trực tiếp như chạm vào mắt hay nước mắt của người bệnh.
- Tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như người bị đau mắt đỏ lau mắt bằng khăn tay sau đó chạm vào các đồ vật khác, vi khuẩn hoặc virus có thể lây nhiễm lên các bề mặt này. Nếu người khác tiếp xúc với đồ vật đó và chạm vào mắt mình sẽ có nguy cơ bị đau mắt đỏ.
- Sử dụng chung đồ vật như khăn, gương, đồ trang điểm với người bị đau mắt đỏ.
5. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ là gì?
Khi bị đau mắt đỏ sẽ có những dấu hiệu sau:
- Tròng trắng mắt chuyển sang hồng hoặc đỏ.
- Cảm giác ngứa, cộm, nóng rát như có vật gì ở trong mắt.
- Mắt tiết ra nhiều ghèn và chảy nước mắt thường xuyên.
- Mí mắt sưng, rủ xuống, đau nhức.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Các dấu hiệu khác như sốt nhẹ, đau họng, nổi hạch sau tai.
6. Bệnh đau mắt đỏ có gây ra biến chứng không?
Viêm kết mạc là bệnh lý phổ biến, ít gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến giác mạc và dẫn đến giảm thị lực.
7. Cách điều trị khi bị đau mắt đỏ
Điều trị đau mắt đỏ đòi hỏi sự chăm sóc đúng cách để giảm nhẹ các triệu chứng. Mặc dù mắt đỏ thường không gây ra nguy hiểm hoặc biến chứng nghiêm trọng, nhưng việc tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế điều là quan trọng để đảm bảo điều trị hiệu quả.
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do virus:
- Chườm lạnh để giúp giảm sưng trên vùng mắt.
- Rửa mặt bằng nước muối sinh lý (Natri clorid 0.9%) để loại bỏ tạp chất và vi khuẩn trên vùng mắt.
- Sử dụng nước nhỏ mắt nhân tạo giúp giảm cảm giác khó chịu.
- Nếu triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc kéo dài, việc gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách là cần thiết.
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn:
- Gặp bác sĩ để thăm khám và nhận hướng dẫn điều trị chính xác.
- Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý để giữ vệ sinh và ngăn chặn vi khuẩn lây lan.
- Sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng:
- Xác định nguyên nhân dị ứng và tránh tiếp xúc để ngăn chặn các tình huống tái phát.
- Sử dụng thuốc và nước nhỏ mắt theo đơn của bác sĩ.
Có thể sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch mắt khi bị đau mắt đỏ
8. Điều trị đau mắt đỏ bao lâu thì bớt?
Nếu viêm kết mạc được gây ra bởi vi khuẩn, người bệnh thường sẽ thấy cải thiện trong khoảng một tuần. Quan trọng nhất, bạn cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, ngay cả khi các triệu chứng bắt đầu giảm nhẹ. Trong trường hợp viêm kết mạc do virus, bệnh thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày và đôi khi có thể kéo dài lên đến 14 ngày trước khi triệu chứng hoàn toàn biến mất.
9. Nên làm gì để phòng bệnh đau mắt đỏ?
- Sử dụng vật dụng cá nhân riêng: mỗi thành viên trong gia đình và nơi làm việc nên sở hữu vật dụng cá nhân riêng bao gồm khăn, ly nước để tránh lây lan vi khuẩn.
- Giữ cho mắt được nghỉ ngơi: tránh việc dụi mắt quá mức bởi vì việc này có thể gây tổn thương cho cấu trúc của mắt và làm tăng nguy cơ bị viêm kết mạc.
- Rửa tay thường xuyên: đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và ở nơi công cộng.
- Sử dụng kính mắt: khi bạn ra ngoài đường, đặc biệt là trong môi trường bụi bặm hoặc ô nhiễm nên mang kính mắt để ngăn chặn bụi và vi khuẩn xâm nhập.
- Bổ sung chất dinh dưỡng: như các thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A và vitamin E để không chỉ tăng cường sức đề kháng của cơ thể mà còn giúp duy trì sức khỏe của mắt. Ngoài ra, nên tránh ăn các thực phẩm có mùi tanh, có chứa chất kích thích, món ăn có tính nóng như thịt dê, ớt, tỏi…
10. Làm thế nào để tránh lây lan khi bị đau mắt đỏ?
- Nếu bạn hoặc ai đó bị viêm kết mạc do virus, điều quan trọng nhất là phải ở nhà, nghỉ ngơi và tự chăm sóc. Tránh tiếp xúc với người khác để ngăn chặn lây lan.
- Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, hãy đảm bảo không để đầu ống thuốc chạm vào mắt hoặc lông mi. Điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus bám vào đầu ống.
- Duy trì vệ sinh cá nhân và vùng xung quanh, tránh chạm vào mắt mà không rửa tay sạch để ngăn chặn lây lan bệnh đau mắt đỏ đến người xung quanh.
Dùng nước rửa mắt Eyemiru Wash để làm sạch bụi bẩn mỗi ngày
Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã nắm rõ những thông tin cần thiết liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Từ đó biết cách chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mắt tốt hơn. Để tham khảo các thông tin khác về mắt và thuốc nhỏ mắt Eyemiru, hãy theo dõi Eyemiru mỗi ngày nhé!