banner
/uploads/2023/07.2023/chay-nuoc-mat-song-thumbnail.jpg_202310292110SS.jpg

8 lý do khiến bạn chảy nước mắt sống và cách điều trị

29-10-2023

Có nhiều lý do khiến bạn bị chảy nước mắt sống, từ bụi bẩn đến các tình trạng như dị ứng theo mùa, đau mắt đỏ hay tắc lệ đạo. Theo một đánh giá năm 2020 của các nghiên cứu được công bố ở Experimental Eye Research, nước mắt có tác dụng bảo vệ mắt, giúp mắt lành lại khi bị tổn thương và mang lại sự thoải mái cho chúng ta. Khi ngáp hay cười hoặc khi nhìn quá lâu dưới ánh sáng chói sẽ chảy nước mắt là hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên nếu nước mắt chảy quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của rắc rối. Hãy cùng Eyemiru tìm hiểu về 8 lý do khiến bạn chảy nước mắt và cách điều trị qua bài viết dưới đây.

Rối loạn chức năng tuyến Meibomian (MGD)

Tuyến Meibomian nằm ở mí mắt và tạo ra phần nhờn của nước mắt. Theo American Academy of Ophthalmology, lớp dầu này ngăn cho nước mắt của chúng ta bay hơi. Khi các tuyến không sản xuất đủ dầu hoặc chất lượng không phù hợp, bạn có thể mắc phải bệnh khô mắt. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy nước mắt vì mắt cần tiết nước mắt để giảm bớt tình trạng bị khô.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể dùng một chiếc khăn nóng, sạch và đắp lên mí mắt nhằm mở các tuyến dầu hoặc massage mắt nhẹ nhàng để giúp tăng tiết dầu. Theo một nghiên cứu năm 2020 được đăng ở tạp chí Medicine, việc làm sạch dọc theo đường mi bằng sữa rửa mí mắt chuyên dụng hoặc dầu gội em bé dạng nước cũng có thể giúp làm thông thoáng các lỗ hở của tuyến dầu.

Có nhiều lý do khiến bạn chảy nước mắt sống

Chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt chảy tràn trên mặt nhưng chưa xác định được nguyên nhân

Khô mắt

Ngay cả khi tuyến Meibomian hoạt động tốt thì bạn vẫn có thể bị khô mắt dẫn đến chảy nước mắt quá nhiều. Nếu không giải quyết vấn đề này, tình trạng khô mắt có thể tiếp tục và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khô mắt, bao gồm mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, dị ứng thuốc, tiếp xúc với môi trường chứa nhiều khói, bụi, hoặc gió mạnh.

Ngoài ra, việc mắt khô thường phổ biến hơn khi con người già đi, đặc biệt là ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Cùng với sự thay đổi hormone trong cơ thể, việc tiết dầu bôi trơn mắt giảm đi, gây ra cảm giác khô và kích thích mắt. Để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể.

Xem thêm: Khô mắt là gì, có nên sử dụng nước nhỏ mắt cho mắt khô?

Ống dẫn nước mắt bị chặn

Sau khi nước mắt được sản xuất bởi các tuyến “chuyên dụng”, nước mắt sẽ chảy qua mắt và các lỗ nhỏ ở khóe mắt gọi là lệ đạo (lacrimal puncta). Nếu những lỗ này bị chặn do các nguyên nhân như viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn, nước mắt sẽ không thể di chuyển được, dẫn đến tích tụ nước mắt.

Ngoài ra, ống mũi lệ (nasolacrimal duct) - con đường dẫn nước mắt vào mũi - cũng có thể bị tắc nghẽn ở người lớn do nhiều lý do như chấn thương, nhiễm trùng hoặc quá trình lão hóa gây ra sự hẹp lại của ống dẫn nước mắt. Trong trường hợp viêm nhiễm, bác sẽ thể kê đơn thuốc kháng sinh để giảm viêm và loại bỏ tắc nghẽn trong ống dẫn nước mắt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phức tạp hoặc nếu tắc nghẽn quá nghiêm trọng, việc tiến hành phẫu thuật có thể là lựa chọn hợp lý.

Chảy nước mắt do dị ứng

Dị ứng và cảm lạnh là hai nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mắt. Các tác nhân như phấn hoa, bụi mịn có thể gây ra dị ứng mắt. Trong trường hợp cảm lạnh, nước mắt thường chảy nhiều hơn do sự kích thích từ vi khuẩn hoặc virus.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn và thuốc dị ứng được kê bởi chuyên gia y tế có thể là giải pháp hữu ích trong trường hợp này. Thuốc nhỏ mắt giúp giảm viêm và giảm mức độ chảy nước mắt. Trong khi đó, thuốc dị ứng sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng dị ứng, từ đó giảm lượng nước mắt chảy ra.

Bên cạnh đó, việc hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ cũng rất quan trọng. Đồng thời tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng như hóa chất mạnh, bụi bẩn…

Cảm lạnh là một nguyên nhân khiến bạn bị chảy nước mắt

Cảm lạnh là một nguyên nhân khiến bạn bị chảy nước mắt

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Theo Centers for Disease Control and Prevention (CDC), các loại virus gây cảm lạnh thông thường, đau họng hoặc viêm phế quản cũng có thể khiến bạn bị đau mắt đỏ. Đây là tình trạng nhiễm trùng màng mắt và là bệnh lý phổ biến. Chảy nước mắt là một trong những những triệu chứng tiêu biểu của bệnh này. Theo CDC, hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ đều tự khỏi. Nhưng cũng có khi cần dùng thuốc. Bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng cách đắp một miếng vải được làm mát lên mắt để làm giảm các triệu chứng. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, do đó cần rửa tay thường xuyên, dùng riêng các vật dụng cá nhân và không nên tiếp xúc với nhiều người trong thời gian có dịch.

Xem thêm: 10 điều cần biết để nhận biết dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ và phòng tránh hiệu quả

Lẹo mắt

Lẹo mắt là những vết sưng nhỏ màu đỏ xuất hiện trên mí mắt hoặc đường mi mắt và khiến bạn bị chảy nhiều nước mắt. Nguyên nhân của lẹo mắt thường là do vi khuẩn gây nhiễm trùng. Dù không nghiêm trọng nhưng lẹo mắt làm mắt bị sưng, gây đau, cảm giác khó chịu. Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, lẹo mắt nhỏ, bạn có thể chườm ấm để làm giảm các triệu chứng. Chườm ấm giúp giãn cơ và tăng cường lưu thông máu, giảm viêm và giảm đau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bạn không nên tự nặn lẹo mắt bởi vì việc này có thể làm nhiễm trùng lan sang các vùng da khác và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng lẹo mắt trở nên nặng hơn, khi mắt bị sưng to và triệu chứng không giảm bớt, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tiểu phẫu lẹo mắt có thể là lựa chọn tốt nhất.

Vấn đề về giác mạc

Giác mạc là lòng đen của mắt và cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi khuẩn, bụi bẩn và bất kỳ vật “ngoại lai” nào lọt vào mắt của bạn. Do đó, bất kỳ yếu tố nào “tấn công” giác mạc cũng có thể dẫn đến chảy nước mắt, cho dù đó là hạt bụi, vết đau hay vết xước. Trong đó, giác mạc bị trầy xước là một trong những chấn thương mắt phổ biến nhất. Khi gặp vấn đề với giác mạc, bên cạnh việc chảy nước mắt thường xuyên, mắt còn bị đỏ, đau và nhạy cảm với ánh sáng.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của vấn đề giác mạc mà có thể không cần phải điều trị, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Do đó để biết chính xác vấn đề của mình, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị hiệu quả.

Lẹo mắt cũng có thể gây ra tình trạng chảy nước mắt sống

Lẹo mắt cũng có thể gây ra tình trạng chảy nước mắt sống

Các vấn đề khác về mí mắt

Bạn có thể gặp các vấn đề với mí mắt hoặc lông mi khiến mắt bị khô và dẫn tới việc chảy nước mắt quá nhiều. Mí mắt hướng ra ngoài (ectropion) hoặc hướng vào trong (entropion) có thể gây chảy nước mắt. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng nước mắt nhân tạo và thuốc mỡ để giảm bớt kích ứng. Đôi khi các vấn đề về mí mắt là dấu hiệu tự nhiên của sự lão hóa. Khi chúng ta già đi, phần da ở mí mắt có xu hướng chảy xệ và có thể làm suy giảm khả năng tiết nước mắt.

Xem thêm:  Tips chăm sóc vùng da quanh mắt bị khô

Tóm lại, có rất nhiều lý do gây ra chảy nước mắt và vấn đề này có thể mang tính chất tạm thời hoặc kéo dài. Cách điều trị tốt nhất là hiểu rõ nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này. Với những thông tin trên, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn đọc về tình trạng chảy nước mắt. Trong nhiều trường hợp, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất.