banner
/uploads/2023/07.2023/di-ung-mat-la-gi-thumbnail.jpg_202310302110SS.jpg

Dị ứng mắt là gì, có giống với đau mắt đỏ không?

30-10-2023

Mỗi khi thay đổi thời tiết thay đổi hay giao mùa, nhiều người dễ mắc phải tình trạng dị ứng mắt. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra vấn đề này. Vậy dị ứng mắt là gì, có giống với đau mắt đỏ không và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Eyemiru tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt hay còn gọi là viêm kết mạc khá phổ biến. Tình trạng này xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng (được gọi là chất gây dị ứng). Khi đó mắt sẽ sản xuất ra một chất gọi là histamine để chống lại chất gây dị ứng này và gây ra những triệu chứng như ngứa, đỏ, rát… Không giống như các loại viêm kết mạc khác, dị ứng mắt không lây từ người này sang người khác. Dị ứng mắt cũng thường sẽ đi chung với dị ứng mũi, ngứa, nghẹt mũi và hắt hơi. Đây là tình trạng liên quan đến dị ứng theo mùa hay do thay đổi thời tiết. Ngoài ra, bạn có thể bị dị ứng do lông thú cưng, bụi, phấn hoa, khói, nước hoa hoặc thậm chí là thức ăn.

Dị ứng mắt (eye allergy) xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng

Dị ứng mắt (eye allergy) xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng

Nguyên nhân gây dị ứng mắt là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng mắt. Việc hiểu rõ về các nguyên nhân này không chỉ giúp xác định nguồn gốc của vấn đề mà còn đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

1. Phấn hoa

Đối với những người dị ứng mắt với phấn hoa, mùa hoa nở thường là cơn ác mộng. Phấn hoa dù nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại chứa những chất kích thích mạnh mẽ. Hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với phấn hoa như một mối đe dọa và gây ra các triệu chứng như đỏ, ngứa, chảy nước mắt.

2. Mạt bụi

Mạt bụi thường xuyên xuất hiện ở những nơi như giường, thảm và tranh. Mặc dù chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại gây ra những triệu chứng khó chịu như hắt hơi, ho, nghẹt mũi, dị ứng mắt.

3. Tiếp xúc với khói

Khói từ thuốc lá và môi trường ô nhiễm không chỉ gây ra vấn đề cho sức khỏe tổng thể mà còn là nguyên nhân gây dị ứng mắt. Khói này khiến cho hệ miễn dịch phản ứng ngay lập tức, tạo ra cảm giác cay cay, chảy nước mắt và đỏ mắt.

4. Tiếp xúc với nước hoa

Nước hoa mặc dù thường được sử dụng để tạo hương thơm dễ chịu nhưng lại chứa những hợp chất có thể kích ứng mắt và hệ hô hấp. Khi tiếp xúc với các thành phần không rõ ràng trong nước hoa, mắt có thể đỏ, ngứa, chảy nước mắt, thậm chí gây đau đầu.

5. Tiếp xúc với vật nuôi

Thú cưng như chó và mèo thường mang lại niềm vui cho gia đình nhưng lông, nước bọt hay phân của chúng lại có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Protein trong nước bọt, nước tiểu của chúng cũng có thể kích ứng mắt, gây đỏ, ngứa và chảy nước mắt.

6. Tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa và mỹ phẩm

Hóa chất trong mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa hàng ngày có thể khiến cho mắt và da trở nên đỏ, ngứa và sưng. Các triệu chứng thường xuất hiện 24-48 giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng.

Các triệu chứng khi bị dị ứng mắt là gì?

Dị ứng mắt biểu hiện qua một loạt các triệu chứng khác nhau, không chỉ gây ra sự không thoải mái mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi mắt bị dị ứng:

Mắt đỏ

Mắt đỏ là dấu hiệu rõ ràng của việc mắt phản ứng với các tác nhân kích ứng. Các mạch máu nhỏ giữa màng cứng và kết mạc trong mắt có thể sưng lên do tiếp xúc với khói, bụi hoặc các chất hóa học.

Chảy nước mắt

Khi mắt phản ứng với các chất gây kích ứng, cơ thể tạo ra histamin để chống lại tác nhân gây hại, gây chảy nước mắt.

Nhạy cảm với ánh sáng

Nhạy cảm với ánh sáng là tình trạng mắt khó chịu khi ánh sáng gây ra cảm giác chói lọi. Đây không phải là bệnh về mắt mà là triệu chứng của nhiễm trùng hoặc dị ứng mắt.

Ngứa ngáy

Ngứa mắt thường là do các chất kích ứng như bụi, khói, phấn hoa hoặc lông động vật. Khi ngứa chúng ta thường sẽ dụi mắt, dù không gây hại nhiều nhưng việc dụi mắt nhiều có thể gây sưng giác mạc và giảm thị lực.

Nóng rát

Cảm giác nóng rát xuất hiện khi mắt tiếp xúc với các chất kích ứng từ môi trường bên ngoài như khói thuốc, mạt bụi hoặc các hóa chất trong sản phẩm hàng ngày.

Sưng mí mắt

Sưng mí mắt thường đi kèm với đỏ, đau, ngứa mắt. Biểu hiện của tình trạng này là sưng phù ở 1 hoặc 2 mí mắt trên và mí mắt dưới.

Cảm giác cộm và đau mắt

Cảm giác cộm thường xuất hiện khi có bụi hoặc dị vật rơi vào mắt. Điều này thường kèm theo chảy nước mắt, cảm giác cay và mô máu trên bề mặt mắt hiện rõ. Những triệu chứng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt cùng với các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, nhiều khi có cả cảm giác nóng rát.

Bạn có thể bị sưng mí mắt ở 1 hoặc 2 mắt khi bị dị ứng

Bạn có thể bị sưng mí mắt ở 1 hoặc 2 mắt khi bị dị ứng

Sự khác biệt giữa dị ứng mắt và đau mắt đỏ là gì?

Nhãn cầu được bao phủ bởi một màng mỏng gọi là kết mạc. Khi kết mạc bị kích ứng hoặc viêm thì sẽ gây ra bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ. Tình trạng này khiến mắt bị ngứa, chảy nước mắt, có màu đỏ hoặc hồng. Mặc dù đau mắt đỏ và dị ứng mắt đều gây ra những triệu chứng tương tự nhau nhưng đây là hai bệnh lý khác nhau.

Dị ứng mắt là do phản ứng của hệ miễn dịch. Còn đau mắt đỏ là do dị ứng mắt cùng nhiều nguyên nhân khác như do vi khuẩn, virus, hóa chất… Ngoài ra, đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus gây ra thường tiết ra dịch tích tụ ở mắt, đặc biệt là vào ban đêm và rất dễ lây lan. Tuy nhiên, dị ứng mắt thì không lây lan.

Dị ứng mắt được điều trị như thế nào?

Chìa khóa để điều trị dị ứng mắt là hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Điều này bắt buộc bạn cần phải biết chính xác những chất sẽ làm mắt bị dị ứng. Nếu cần thiết bạn có thể đến các trung tâm y tế để thực hiện xét nghiệm da hoặc máu để xác định các chất cụ thể sẽ gây dị ứng.

Tránh các tác nhân gây dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa thì nên tránh ra ngoài trời càng nhiều càng tốt khi tới mùa hoa nở hay thời điểm có lượng phấn hoa cao nhất, thường là vào buổi sáng và đầu buổi tối. Ngoài ra, nên đeo kính râm để ngăn phấn hoa bay vào mắt khi bạn ở ngoài trời.

Hãy đóng cửa sổ và sử dụng điều hoa ở trong nhà, điều này sẽ giúp giảm khả năng tiếp xúc với phấn hoa và các chất kích thích khác. Không nên sử dụng quạt vì sẽ hút phấn hoa cùng những chất gây dị ứng vào bên trong. Đồng thời giữ máy lạnh sạch sẽ, vệ sinh theo định kỳ để đảm bảo không có bụi bẩn bên trong.

Khi tác nhân gây dị ứng cho bạn là nấm mốc thì hãy nhớ rằng độ ẩm cao có thể khiến chúng phát triển. Vì vậy, nên duy trì độ ẩm trong nhà ở khoảng 30 - 50% và vệ sinh các khu vực có độ ẩm cao như tầng hầm, phòng tắm, nhà bếp.

Nếu bụi bẩn làm mắt bị dị ứng, hãy đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là ở phòng ngủ. Nên giặt gối, mền, ga giường thường xuyên để bụi bẩn không tích tụ làm tăng khả năng gây dị ứng mắt.

Cuối cùng, hãy tránh dụi mắt vì điều này chỉ làm mắt khó chịu hơn.

Không nên dụi mắt vì sẽ làm các triệu chứng nặng thêm

Không nên dụi mắt vì sẽ làm các triệu chứng nặng thêm

Xem thêm: Những điều cần biết để bảo vệ mắt đúng cách

Điều trị bằng thuốc

- Nước nhỏ mắt nhân tạo: có tác dụng loại bỏ chất gây dị ứng, giảm các triệu chứng khô mắt và cung cấp độ ẩm cho mắt. Bạn có thể mua chúng ở các nhà thuốc mà không cần toa. Sử dụng khoảng 1-6 lần mỗi ngày và duy trì việc sử dụng thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất.

- Thuốc kháng Histamin đường uống: loại thuốc này được dùng để điều trị các triệu chứng như ngứa và rát mắt. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra tình trạng khô mắt hoặc làm tăng nặng các triệu chứng dị ứng, do đó nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

- Chất ổn định tế bào mast: các loại thuốc nhỏ mắt chứa chất ổn định tế bào mast giúp giảm ngứa, mẩn đỏ, chảy nước mắt và cảm giác nóng rát. Sử dụng khoảng 1-2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid: điều trị các triệu chứng dị ứng mắt nghiêm trọng và kéo dài như ngứa, đỏ, sưng. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc chứa corticosteroid cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.

- Tiêm miễn dịch trị liệu: trong các trường hợp mà các phương pháp trên không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất tiêm miễn dịch trị liệu. Quy trình này bao gồm việc tiêm các chất gây dị ứng vào cơ thể nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch với những chất này.

Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm các triệu chứng của dị ứng mắt

Có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm các triệu chứng của dị ứng mắt

Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, dị ứng mắt có thể nhanh chóng được giảm nhẹ hoặc chấm dứt hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn tiến trong thời gian dài sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của dị ứng mắt hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn điều trị kịp thời và hiệu quả nhất.