Những điều cần biết để bảo vệ mắt đúng cách
10-09-2023Đôi mắt khỏe mạnh và thị lực tốt rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Nhưng ngay cả khi bạn nghĩ rằng đôi mắt dường như không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì vẫn có khả năng chúng không khỏe mạnh như mong đợi. Vậy làm thế nào để bảo vệ mắt đúng cách? Hãy cùng Eyemiru tìm hiểu những điều cần biết để chăm sóc cũng như bảo vệ mắt tốt hơn qua bài viết dưới đây.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe mắt
Cơ thể là một thể thống nhất vì vậy việc chăm sóc sức khỏe tổng thể sẽ góp phần duy trì thị lực và sức khỏe mắt tốt nhất. Đồng thời những tác động tiêu cực lên cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe mắt có thể kể đến như:
- Dinh dưỡng: cũng giống như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, đôi mắt cũng cần những dưỡng chất cần thiết. Do đó việc ăn uống lành mạnh, có chế độ ăn hợp lý là cách bảo vệ mắt và ngăn ngừa các bệnh như thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp do tuổi tác.
- Tiếp xúc với các tác nhân gây hại: tia UV từ mặt trời vào những thời điểm nắng gắt, các chất độc hại từ môi trường xung quanh có thể gây hại cho mắt.
Xem thêm: Cách bảo vệ mắt khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt
Ánh nắng mặt trời có chỉ số UV cao sẽ gây hại đến mắt
- Hút thuốc: khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về mắt có thể dẫn đến mù lòa.
- Tình trạng sức khỏe: huyết áp cao, tiểu đường… có thể làm tăng nguy cơ suy giảm thị lực cũng như các bệnh lý khác.
- Chấn thương: điều này có thể xảy ra bất ngờ như tai nạn, té ngã khi chơi thể thao, hoặc làm những công việc có nguy cơ chấn thương mắt cao như hàn kim loại.
- Nhiễm trùng: đến từ việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách, tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng sau chấn thương.
- Tiểu sử gia đình: có người thân mắc các bệnh về mắt khiến bạn có nguy cơ mắc phải những lo ngại tương tự.
- Tuổi tác: lão hóa là quy luật tự nhiên, do đó khi ngày càng già đi, thị lực cũng suy yếu theo thời gian và dễ mắc bệnh thoái hóa điểm liên quan đến tuổi tác, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…
Xem thêm: Bảo vệ mắt như thế nào khi bước vào giai đoạn lão hóa?
Khi già đi chúng ta sẽ dễ mắc các bệnh về mắt hơn
Các vấn đề mắt thường gặp
Trong số các vấn đề về thị lực, tật khúc xạ là phổ biến nhất, bao gồm cận thị, viễn thị, lão thị và loạn thị. Nguyên nhân của tật khúc xạ là do hình dạng bất thường của mắt khiến ánh sáng không thể tập trung trực tiếp vào võng mạc. Tật khúc xạ thường được khắc phục bằng kính mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật laser.
Ngoài ra, còn một số bệnh về mắt phổ biến khác bao gồm:
- Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác: bệnh này ít có triệu chứng ban đầu nhưng có thể được phát hiện khi khám mắt và nhìn thấy cặn màu vàng bên dưới võng mạc. Khi chúng phát triển hoặc các mạch máu rò rỉ chất lỏng vào mắt, dễ gây ra tình trạng mất thị lực trung tâm, thậm chí mất thị lực hoàn toàn.
- Đục thủy tinh thể: đây là tình trạng thủy tinh thể bị mờ dẫn đến suy giảm thị lực và có thể điều trị bằng cách phẫu thuật.
- Bệnh tăng nhãn áp: nguyên nhân của bệnh tăng nhãn áp là do áp lực trong mắt làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Ban đầu, bệnh này sẽ không gây ra triệu chứng gì nhưng theo thời gian, tầm nhìn sẽ bị ảnh hưởng và có thể mất thị lực hoàn toàn nếu không được điều trị kịp thời.
- Hội chứng khô mắt: nếu không tiết đủ nước mắt, mắt sẽ bị ngứa, nóng rát, mờ, nặng mí mắt, cảm giác châm chích.
- Viêm kết mạc: đây là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng màng trong suốt bao phủ phần trắng của nhãn cầu và mí mắt bên trong do vi khuẩn, dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất. Các triệu chứng bao gồm mẩn đỏ, ngứa, chảy nước mắt…
Các tật về khúc xạ rất phổ biến
Đừng chủ quan, hãy khám mắt theo định kỳ
Khám mắt theo định kỳ là một trong những cách bảo vệ mắt quan trọng nhất. Ngoài ra, đôi mắt còn cung cấp những thông tin về sức khỏe tổng thể mà bạn có thể không biết. Sau đây là các lý do mà bạn nên đi khám mắt theo định kỳ:
- Kiểm tra thị lực: thị lực cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tầm nhìn của bạn ở trạng thái tốt nhất bao gồm khả năng nhìn rõ, nhận biết màu sắc và nhìn trong điều kiện ánh sáng khác nhau.
- Kiểm tra các bệnh về mắt: nhiều bệnh nghiêm trọng thường không có triệu chứng. Ví dụ như bệnh đục thủy tinh thể sẽ phát triển dần dần đến mức bạn thậm chí bạn có thể không nhận ra thị lực của mình đã suy giảm. Do đó kiểm tra mắt là cách hữu hiệu để phát hiện sớm các bệnh lý và ngăn ngừa cũng như điều trị hiệu quả.
- Theo dõi sự phát triển của trẻ em: trẻ em cần được kiểm tra mắt định kỳ để theo dõi sự phát triển của thị lực. Việc phát hiện sớm các vấn đề mắt ở trẻ em có thể giúp điều trị hiệu quả đồng thời đảm bảo trẻ có khả năng học tốt và phát triển đúng cách.
Ngoài ra, bạn cũng cần chia sẻ thông tin về tiền sử gia đình mắc các bệnh về mắt (nếu có) để đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình thăm khám.
Trẻ em nên được khám mắt định kỳ để theo dõi sự phát triển của thị lực
Các thói quen lành mạnh cần thực hiện để bảo vệ mắt
Khám mắt là giải pháp để phát hiện các vấn đề càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, việc thực hiện những thói quen tốt trong lối sống cũng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ mắt và duy trì thị lực ổn định:
- Chế độ ăn uống nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho mắt, đặc biệt là các loại trái cây, rau củ quả và các loại cá.
- Đeo kính râm chống tia UV khi ra ngoài trời vào những thời điểm nắng gắt.
- Không hoặc bỏ hút thuốc.
- Duy trì cân nặng cân đối.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Sử dụng kính bảo hộ khi chơi thể thao và trong các trường hợp cần thiết để tránh tổn thương mắt do chấn thương hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
- Vệ sinh kính áp tròng đúng cách để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường.
- Cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn, thực hiện các bài tập mắt để giảm mỏi mắt và giúp mắt linh hoạt hơn.
Massage mắt để tăng cường lưu thông máu ở khu vực này
Bảo vệ mắt đúng cách là điều kiện tiên quyết để có đôi mắt khỏe mạnh và không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có những thông tin cơ bản về sức khỏe mắt cũng như biết cách chăm sóc cho đôi mắt của mình tốt nhất.